top of page

Làm marketing có khó không? Suy ngẫm sau 5 năm đi làm

Ảnh của tác giả: Today Vy learnsToday Vy learns

Đã cập nhật: 2 ngày trước

Sau hơn 5 năm đi làm và quan sát sự phát triển sự nghiệp của chính bản thân mình cũng như nhiều bạn khác, mình nhận ra rằng: Làm marketing vừa khó vừa dễ. Dễ để bắt đầu, khó để chuyên sâu. 


Thành thật mà nói, kể cả sau 5 năm mình vẫn luôn có cảm giác rằng tất cả những gì mình biết hay học được vẫn còn rất ít.


Trên thực tế, kinh nghiệm làm nghề của mình sẽ luôn bị giới hạn bởi các cơ hội và trải nghiệm mình có được nhiều hơn là độ nhanh nhạy trong tư duy hay mức độ sáng tạo trong ý tưởng.


Trong bài viết này, mình muốn phân tích các khía cạnh khiến cho marketing trở thành một ngành dễ bắt đầu, khó chuyên sâu. 


Có gì trong bài viết này:


Vì sao làm marketing dễ để bắt đầu

  1. Không yêu cầu bằng cấp đặc biệt hoặc chuyên môn cụ thể

Khác với một số ngành đặc thù khác như Business Analyst hay Data Science, Marketing là một trong những ngành có tính chất đa ngành (multi-disciplinary) rất cao.


Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những kỹ năng khác nhau cần có của một marketer: Kỹ năng sáng tạo, Kỹ năng phân tích dữ liệu, Kỹ năng ảnh hưởng tâm lý con người. Không thuần về "não trái" hoặc "não phải", số liệu hoặc nội dung. Điều này rất dễ dẫn đến khi mới bắt đầu, người học hoặc làm marketing sẽ thấy mình ở trạng thái, mỗi thứ biết một ít. 


Mình cho rằng đặc tính này đã tạo ra rào cản rất thấp cho bất kỳ ai muốn gia nhập ngành. Bạn không cần phải có bằng cử nhân chuyên ngành marketing để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực này. Nhiều marketer thành công xuất thân từ các ngành khác nhau, miễn là họ có những kỹ năng phù hợp và tư duy phù hợp. 


  1. Có rất nhiều công cụ miễn phí để tự thực hành và rèn luyện kỹ năng

Dù là kỹ năng gì, người muốn trau dồi kiến thức về marketing đều có thể dễ dàng tra cứu thông tin và tài liệu miễn phí trên mạng. Tham khảo Hướng dẫn tự học Digital Marketing cho người mới.


Chẳng hạn, Google cung cấp Google Analytics và Google Ads miễn phí để bạn làm quen với cách theo dõi hành vi người sử dụng website. Ngoài ra, HubSpot, Meta Blueprint hay SEMrush Academy cũng có nhiều khóa học miễn phí giúp bạn nâng cao kỹ năng.


  1. Marketing có những tác vụ cơ bản mà (tưởng như) bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được

Ví dụ, đăng bài trên mạng xã hội, viết mô tả sản phẩm hay gửi email marketing cơ bản đều là những công việc mà một người mới hoàn toàn có thể bắt đầu. Do đó, yêu cầu để bắt đầu tham gia ngành marketing là không cao. 


Khó để trở thành một marketer giỏi 

Tưởng như marketing là một ngành sôi động, không yêu cầu bằng cấp quá nhiều và luôn có nhiều cơ hội phát triển.


Nhưng sau một khoảng thời gian, mình nhận ra rằng con đường đi từ junior lên senior, từ newbie lên expert đòi hỏi một tinh thần thực sự cam kết với nghề, chứ không phải chỉ bằng số năm kinh nghiệm. 


Thế nào là một marketer giỏi?

Một đặc điểm nữa của ngành đó là không có một thước đo chung về tiêu chuẩn của một người marketer giỏi.


Nguyên nhân đằng sau đặc điểm này cũng sẽ là những lý do khiến việc thành thạo nghề sẽ khó khăn hơn, mà mình sẽ phân tích bên dưới. 


Tuy không có một tiêu chuẩn cụ thể, nhưng theo mình, để đạt đến trình độ cao trong marketing, cần có những yếu tố sau.


  1. Khả năng tạo thêm giá trị dưới vai trò là marketer

Một người marketer có thể nắm bắt và tạo ra giá trị thêm cho khách hàng, thông qua thành phẩm công việc của họ.


Ví dụ: Viết nội dung để đăng Facebook là một điều bất kỳ ai cũng làm được, từ học trò cấp 3 cho đến cụ già đã về hưu.


Vậy dưới vai trò là marketer, sự khác biệt sẽ nằm ở đâu?


Có thể là nội dung có tính toán cho phù hợp với tệp khán giả, nội dung được tối ưu cho các chỉ số mục tiêu, hoặc thậm chí là khả năng xây dựng kế hoạch và bám sát kế hoạch một cách đều đặn.


Thiếu đi những "giá trị thặng dư" này, một người marketer sẽ không khác một người không có chuyên môn mấy, và khó có thể nâng cao trình độ của mình. 


  1. Thành thạo sử dụng công cụ marketing để đạt mục tiêu

Có một thực tế là khi ở vị trí Intern, mình đã đảm nhiệm những trọng trách như là xây dựng kế hoạch marketing cho toàn bộ sản phẩm.


Khi bắt đầu trở nên có nhiều kinh nghiệm hơn, mình vẫn đảm nhiệm việc xây dựng kế hoạch marketing.


Vậy khác biệt nằm ở đâu?


Nhìn lại ở điểm khởi đầu, kế hoạch marketing mình từng làm chỉ đơn thuần dựa trên những mẫu kế hoạch có sẵn, đặt ra những mục tiêu tùy hứng và chọn những hoạt động mình cho là nên làm.


Đổi lại, khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, các quyết định marketing bắt đầu dựa trên nền tảng như dữ liệu, hiểu biết về khách hàng, hiểu biết về ngành và hiểu biết về sản phẩm.


  1. Thực hành có chủ đích

Trong quá trình coaching 1-1 với các bạn mới vào nghề, mình nhận thấy rằng cách thực hiện các nhiệm vụ marketing vẫn còn thiếu mục tiêu rõ ràng và sự chú ý, ưu tiên cải thiện chất lượng đầu ra.


Ví dụ, khi đối mặt với nhiệm vụ viết nội dung email, các bạn sẽ chưa thực sự tập trung vào các mục tiêu thường thấy như chỉ số open rate, chỉ số click-through rate, v.v mà sẽ tạo nội dung theo tùy hứng nhiều hơn.


Những khó khăn thường thấy khi làm marketing

  1. Kinh nghiệm của bạn sẽ bị giới hạn bởi ngành hàng và quy mô công ty

Ngoài phân chia theo các kỹ năng chuyên môn, marketing còn có thể được phân chia theo ngành hàng.


Ví dụ, B2B marketing chỉ các hoạt động marketing của ngành B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp), FMCG marketing chỉ các hoạt động marketing đặc trưng của ngành FMCG (mặt hàng tiêu dùng nhanh), luxury marketing chỉ các hoạt động marketing đặc trưng cho các mặt hàng và nhãn hiệu cao cấp.


Một người có nhiều kinh nghiệm FMCG marketing chưa hẳn sẽ giỏi và làm tốt trong ngành SaaS marketing, và ngược lại.


Do đó, người làm marketing sẽ có xu hướng bị bó buộc trong ngành hàng mình đã quen (với các marketing agency có tệp khách hàng đa dạng có thể là ngoại lệ).


Ngoài ra, làm marketing cho một công ty startup có ngân sách eo hẹp so với một doanh nghiệp đa quốc gia với ngân sách với ngân sách đồ sộ cũng sẽ ảnh hưởng để kinh nghiệm và kỹ năng mà marketer sẽ rèn luyện được.


  1. Không có tiêu chuẩn chung cho một người marketer giỏi

Với đặc tính phụ thuộc vào ngành hàng và quy mô doanh nghiệp ở trên, marketing lại càng trở thành một ngành khó nắm bắt và khó xác định con đường phát triển sự nghiệp hơn nữa.


Các yếu tố như ngành hàng, quy mô công ty, vị trí công việc, kỹ năng chuyên môn chính đều sẽ ảnh hưởng lên đánh giá thế nào là một người marketer tốt.


Điều này khiến chi việc nâng cao kỹ năng và lên kế hoạch phát triển sự nghiệp càng khó khăn hơn rất nhiều cho marketer.


  1. Kinh nghiệm đã có quyết định cơ hội sau này

Với rào cản tham gia ngành thấp, kinh nghiệm và kỹ năng trở thành yếu tố đánh giá tiên quyết khi các doanh nghiệp muốn thuê người.


Tuy vậy, để có thể có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn phải có một ít kinh nghiệm trước đã. Nói cụ thể hơn, để nhận job nhằm gia tăng kinh nghiệm, bạn phải chứng mình được năng lực và kinh nghiệm trước đó.


Vòng lặp vô cực này có thể khiến cho marketer chóng mặt và cảm thấy "bí đường".


  1. Các hướng dẫn nâng cao thường phải trả phí

Trong khi có rất nhiều tài liệu và khóa học miễn phí, kiến thức chuyên sâu và tài liệu ở trình độ cao hơn hiếm gặp và thường sẽ yêu cầu trả phí.


Ở thị trường châu Âu, một khóa học kỹ năng nâng cao từ một chuyên gia có thể bắt đầu từ 600 EUR ~ khoảng 15 triệu VNĐ và có thể cao hơn.


Ngoài ra, khả năng tiếng Anh sẽ giúp marketer dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật mới nhất một cách dễ dàng hơn.


Đầu tư vào sách marketing cũng là một cách hiệu quả để có được kiến thức chuyên sâu mà không phải chi trả quá nhiều. Xem Top 10 Quyển Sách Digital Marketing Mình Ước Gì Đã Đọc Sớm Hơn.


  1. Thực hành có chủ đích rất khó

Trên thực tế, đa số các công việc marketing ở quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đòi hỏi marketer thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, dễ dẫn đến tình trạng overload, quá tải.


Một người marketer vừa phải thiết kế hình ảnh, lên nội dung, làm SEO cho website và viết email.


Điều này dễ dẫn đến việc ưu tiên "làm cho xong" các nhiệm vụ trên, thay vì vận dụng các nguyên tắc thực hành có chủ đích (deliberate practice).


Vậy nên làm gì để trở thành marketer giỏi?

  1. Ưu tiên học hỏi và tích lũy kinh nghiệm - dưới bất kỳ hình thức nào.

Liên tục học hỏi và tạo điều kiện cho bản thân tích lũy thêm kinh nghiệm là một phần không thể thiếu để tiến gần hơn đến trình độ giỏi xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Với marketing, điều này lại càng quan trọng hơn nữa.


Một số gợi ý để tích lũy thêm kinh nghiệm có thể bao gồm:

  • Tạo và duy trì sáng tạo nội dung trên một nền tảng (Youtube, blog, podcast, social media, v.v)

  • Đề nghị làm marketing cho một sản phẩm cụ thể với chi phí thấp hơn thị trường hoặc miễn phí (đổi lại bạn sẽ lấy được kinh nghiệm)

  • Tham gia các cuộc thi giải case hoặc cuộc thi sáng tạo


  1. Xác định giá trị marketing mà bạn muốn đem lại

Sau một khoảng thời gian tiếp xúc với ngành, hãy xem xét lại các thế mạnh và điểm yếu của bản thân, cũng như sở thích để có thể lựa chọn được phân nhánh nhỏ hơn trong ngành.


Marketing quá rộng để có thể biết tất cả mọi thứ, giỏi tất cả mọi thứ - đây là một sự thật mình đã dần dần chấp nhận sau nhiều năm gì-cũng-muốn-học.


Bạn có thế sử dụng công thức sau để xác định giá trị chuyên môn mình đem lại:

  • Bạn cảm thấy thỏa mãn nhất khi hoàn thành nhiệm vụ marketing nào? Câu trả lời sẽ gợi ý cho đam mê của bạn và kỹ năng chuyên môn bạn có thể thu hẹp. Ví dụ: Đồng nghiệp của mình rất ám ảnh với việc có những chuỗi workflow tự động chạy một cách êm đẹp và không xảy ra lỗi hệ thống, và chuyên môn của bạn ấy là Marketing Automation (Tự động hóa marketing).

  • Bạn cảm thấy yêu thích sản phẩm hoặc ngành hàng nào? Câu trả lời sẽ giúp bạn thu hẹp ngành hàng bạn muốn thực hành marketing

  • Thế mạnh của bạn là gì? Câu trả lời này có thể giúp bạn định hình được vị trí công việc bạn mong muốn. Ví dụ: Thế mạnh cuản bạn là số liệu và phân tích số liệu, những công việc yêu cầu xử lý và phân tích số liệu nhiều sẽ phù hợp hơn là sáng tạo nội dung.

  • Tổng hợp câu trả lời cho 3 câu hỏi trên, bạn sẽ có thể xác định được vị trí công việc lý tưởng trong ngành hàng lý tưởng.


Điều này rất quan trọng để bạn tiếp tục đào sâu kinh nghiệm liên quan và phát triển bản thân đến vị trí chuyên gia cao cấp.


  1. Thực hành có chủ đích

Như đã chia sẻ ở trên, thực hành có chủ đích (deliberate practice) là yếu tố quan trọng để trở nên thực sự giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Luôn chú tâm tiếp cận các nhiệm vụ marketing với mục tiêu rõ ràng và ý định cải thiện kỹ năng sẽ giúp bạn ngày càng tạo ra kết quả công việc chất lượng hơn.


Có nền tảng kiến thức cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thế mạnh và khả năng tiếp tục đào sâu, phát triển chuyên môn của một người marketer. Tham khảo Khóa học Digital Marketing Nền Tảng để có cái nhìn tổng quan và bài bản về ngành, cũng như cập nhật các mô hình digital marketing mới nhất để vượt qua con dốc lĩnh hội (learning curve) một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất nha.

Today Vy learns

​Đăng ký để nhận bản tin Today Vy learns để "giữ liên lạc" và nhận quà tặng ưu đãi giảm giá 15% nha 🎁.

©2025 by Today Vy learns with lots of ☕️

bottom of page